
Đường sá bị hư hại sau động đất ở Ishikawa, Nhật Bản, ngày 2.1.2024. Ảnh: Xinhua
Một trận động đất kỳ lạ vừa được các nhà khoa học ghi nhận dưới đáy Thái Bình Dương, nơi mảng biển Philippines đang âm thầm lặn xuống bên dưới Nhật Bản.
Không ầm ầm dữ dội như những trận địa chấn thường thấy, trận động đất này lại “rón rén” trượt suốt nhiều tuần, dịch chuyển từng milimét trong im lặng - có thể là chìa khóa để hiểu và dự báo các trận sóng thần tương lai.
Hiện tượng hiếm gặp này xảy ra ở phần nông của rãnh Nankai, khu vực từng gây ra nhiều trận động đất lớn và sóng thần chết người tại Nhật Bản. Lần đầu tiên được ghi nhận vào mùa thu năm 2015 và tái xuất năm 2020, mỗi lần trượt chậm này kéo dài hàng chục kilomet dọc theo đới đứt gãy, bắt đầu cách bán đảo Kii khoảng 50km và di chuyển dần về phía rãnh đại dương.
Điều đặc biệt là không một thiết bị địa chấn hay GPS nào trên bờ cảm nhận được hiện tượng này. Chỉ có mạng lưới quan trắc ngầm - những “tai mắt” chôn sâu hàng trăm mét dưới đáy biển do Nhật Bản triển khai - mới đủ nhạy để ghi lại chuyển động cực kỳ tinh vi đó.
“Giống như một làn sóng ngầm lan dọc theo mặt tiếp xúc giữa hai mảng kiến tạo” - Josh Edgington, người phân tích dữ liệu trong thời gian làm tiến sĩ tại Viện Địa vật lý Đại học Texas, cho biết.

Phát hiện động đất chuyển động chậm trên đới phát sinh sóng thần Nankai. Ảnh: Cơ quan Khí tượng Nhật Bản
Hệ thống quan trắc này thuộc chương trình khoan khoa học đầy tham vọng của Nhật Bản, nhằm bịt kín “điểm mù” trong giám sát động đất toàn cầu. Các thiết bị cảm biến dưới đáy biển giúp các nhà khoa học theo dõi quá trình tích tụ và giải phóng ứng suất kiến tạo trong thời gian thực.
Nếu khu vực này thường xuyên giải phóng năng lượng dưới dạng trượt chậm, nó có thể hoạt động như “giảm xóc” tự nhiên, hạn chế mức độ nghiêm trọng của những cơn động đất và sóng thần tương lai. Nhưng nếu khu vực sâu hơn vẫn đang khóa chặt, nguy cơ xảy ra động đất mạnh cấp 8 hoặc 9 - như thảm họa năm 1946 khiến hơn 1.300 người thiệt mạng - vẫn còn nguyên.
Trong khi Nankai “rên rỉ” âm thầm, thì đới đứt gãy tương tự ở Tây Bắc Thái Bình Dương, được gọi là Cascadia, lại “im phăng phắc”. Điều này khiến giới địa chấn học lo ngại rằng một đứt gãy im lặng có thể đang tích trữ năng lượng cho một cú trượt siêu lớn, đủ sức gây ra động đất cấp 9 và sóng thần toàn diện.
Nhóm nghiên cứu đang kêu gọi triển khai hệ thống quan trắc đáy biển tương tự tại Cascadia, Chile và Indonesia - những điểm nóng khác trong “Vành đai Lửa Thái Bình Dương”.
Trong một diễn biến khác, gần 900 trận động đất xảy ra liên tiếp trong 10 ngày qua ở khu vực quần đảo Tokara của Nhật Bản lại một lần nữa làm dấy lên lo ngại quanh lời tiên tri thảm họa tháng 7.
Cuốn truyện tranh của họa sĩ Ryo Tatsuki xuất bản từ năm 1999 đang gây ra làn sóng hoang mang sau khi tác giả “tiên tri” rằng một trận động đất kèm sóng thần khủng khiếp sẽ tấn công Nhật Bản vào khoảng ngày 5-7.7.
Trước làn sóng lo ngại gia tăng, Giám đốc Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) Ryoichi Nomura phải lên tiếng khẳng định: “Với công nghệ hiện tại, không có cách nào dự đoán chính xác thời điểm xảy ra động đất”. Ông kêu gọi người dân hãy luôn chuẩn bị kỹ càng, nhưng không nên hoảng loạn trước những thông tin không kiểm chứng./.
Xem bài viết gốc tại đây