Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết, 7h sáng nay, bão số 3 đang mạnh cấp 8, giật cấp 10-11 và vẫn chưa đi vào Vịnh Bắc Bộ. Hiện bão còn cách bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 320 - 350km và nhận định đây là cơn bão khó lường, có nhiều khác biệt với bão số 1 vừa qua, hoàn lưu bão rộng trên 200km nên phạm vi ảnh hưởng rất rộng. Dự báo khi vào bờ, lốc xoáy bão số 3 sẽ ít hơn bão số 1 nhưng gió giật mạnh hơn, ở cấp 12-14.Bắt đầu từ đêm nay, hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn trải khắp các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An, lượng mưa 100-200m và đến sáng mai, chậm nhất là trưa mai sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh này. Cơn bão này rất mạnh nên ngay cả khi sang đến giáp Lào, bão vẫn chưa suy yếu thành áp thấp. Đáng lưu ý, bão đổ bộ khi triều cường dâng cao, đặc biệt từ Hải Phòng - Thanh Hoá nước biển dâng 3-4m, kết hợp với sóng biển cao 3-5m sẽ là nguy cơ cực lớn cho đê điều, vùng nguy hiểm được xác định từ Bắc vĩ tuyến 17.
Đến sáng nay, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết đã kêu gọi được trên 36.000 tàu thuyền, tuy nhiên vẫn còn hơn 3.000 tàu thuyền chưa vào nơi trú tránh an toàn.
Qua trực tuyến, các địa phương nguy cơ tâm bão đổ bộ như Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, cho biết công tác phòng chống bão số 3 đang được địa phương triển khai quyết liệt.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp
Phát biểu tại buổi họp, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường bày tỏ lo lắng về nguy cơ cộng hưởng giữa bão và triều cường gây sức ép cho đê điều nhất là những đoạn xung yếu, khó khăn công tác tiêu úng.Bộ trưởng yêu cầu BCH Phòng chống thiên tai &TKCN các tỉnh phải chuẩn bị ứng phó với cơn bão bão trên tinh thần chủ động cao nhất, phát huy 4 tại chỗ, rút kinh nghiệm 2 cơn bão vừa qua để có được phương án ứng phó tốt nhất. Trước khi bão đổ bộ, các địa phương ven biển phải hoàn thành sơ tán dân trên biển, trên bờ, ra lệnh cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi; kiên quyết sơ tán dân ở vùng nuôi trồng hải sản về nơi an toàn.Ứng phó với mưa lớn sau bão, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý ở các tỉnh miền núi phía Bắc đang có hơn 2000 điểm đã được cảnh báo xảy ra lũ quét, sạt lở đất do đó phải thường xuyên cảnh báo, có phương án cụ thể đảm bảo an toàn cho người dân, không chủ quan trước, trong và sau bão, sau mưa một số ngày. Công tác chuẩn bị ứng phó phục hồi sản xuất đồng bằng sông Hồng, hiện lúa đang thì con gái nhưng không được chủ quan, kiểm tra hệ thống kênh dẫn, bơm chuẩn bị các kịch bản phục hồi sản xuất như chuẩn bị bơm động cơ bằng dầu nếu không có điện…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo cuộc hop
Chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá đây là cơn bão diễn biến phức tạp, nếu không chủ động thiệt hại sẽ rất nghiêm trọng, đặc biệt là hiện tượng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi do mưa kéo dài làm đất bão hoà. Do đó để giảm xuống mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, Phó Thủ tướng đề nghị:
Bộ Tài nguyền và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia theo dõi sát diễn biến của bão và mưa lũ, có dự báo, cảnh báo chính xác để thông tin kịp thời đến đến cơ quan thông tấn và các cơ quan liên quan để chủ động ứng phó.
Các cơ quan thông tin đại chúng liên tục cập nhật bản tin dự báo, tăng tần suất, thời lượng phát sóng để người dân chủ động phòng tránh.
Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương, lực lượng Bộ đội Biên phòng rà soát, kiểm đếm tàu thuyền trên biển, đặc biệt là vùng nguy hiểm, hướng dẫn tàu thuyền đến nơi tránh trú an toàn. Có biện pháp cấp bách để xử lý đảm bảo an toàn cho đê biển, vận hành an toàn hệ thống hồ đập, chủ động tiêu úng.
Bộ Công thương chỉ đạo vận hành an toàn hồ đập thủy điện, phòng chống lũ cho hạ du; triển khai các biện pháp an toàn cho hệ thống điện, hầm, lò; chủ động dự trữ hàng hóa thiết yếu…
Ngay sau buổi họp, một số đoàn công tác của Chính phủ và Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai đã trực tiếp xuống Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải phòng trực tiếp kiểm tra công tác phòng chống bão.