Theo đó, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương có nguy cơ thiệt hại nhiều nhất do nhiễm mặn là thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ và Vị Thủy khẩn trương đóng các cống, đập thời vụ để ngăn mặn và trữ ngọt tại các tuyến thuộc kênh xáng Xà No, dọc theo sông Nước Trong…Đồng thời điều chỉnh lịch thời vụ phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương để xuống giống vụ lúa hè thu; tăng cường công tác thông tin, dự báo tình hình, diễn biến của nước mặn để người dân biết và có kế hoạch trữ ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt, hạn chế tối đa thiệt hại trong sản xuất, kinh doanh cũng như đảm bảo đủ nguồn nước sinh hoạt cho người dân khi diễn biến mặn tiếp tục tăng. Công ty Công trình Đô thị và Cấp thoát nước Hậu Giang phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về phương tiện và nhân lực để khởi động trạm cấp nước từ kênh 8.000 nhằm cung cấp đủ nước ngọt cho người dân của thành phố Vị Thanh.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, sau một thời gian ngắn nồng độ mặn đã giảm xuống nhờ triều cường thì trong những ngày giữa tháng 3 này, nước mặn lại tiếp tục tăng lên và xâm nhập sâu vào địa bàn. Cụ thể nồng độ mặn đo được trong ngày 13/3 tại ngã ba sông Nước Trong thuộc xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh là từ 2,1 đến 2,2 phần nghìn; tại cống Pa Cô và nhà thờ Bàu Ráng thuộc xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ là từ 2,4 đến 3,6 phần nghìn. Các địa phương có nguy cơ bị nhiễm mặn cao là xã Lương Tâm, Lương Nghĩa, Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A của huyện Long Mỹ; Hỏa Tiến, Tân Tiến của thành phố Vị Thanh. Đáng lo ngại là năm nay mặn xâm nhập sớm hơn các năm đồng thời tình hình nhiễm mặn có khả năng xâm nhập từ 2 hướng: Hướng từ biển Tây sang (phía Kiên Giang) làm ảnh hưởng đến các địa phương là Vị Thanh, Long Mỹ và Vị Thủy và hướng từ biển Đông lên (phía Sóc Trăng) có khả năng ảnh hưởng đến một số xã, phường của thị xã Ngã Bảy và huyện Châu Thành.