Theo Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp thống kê, có hơn 100 điểm sạt lở với chiều dài gần 20 km, đe dọa hơn 5.000 hộ dân. Để di dời các hộ trong vùng nguy hiểm, cần ít nhất 5 cụm, tuyến dân cư. Mới đây, UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định xuất 60 tỷ đồng ngân sách, làm tuyến dân cư tại xã Tân Bình (Thanh Bình) để di dời khoảng 300 hộ. Còn những nơi sạt lở khác, tỉnh ban bố tình trạng khẩn cấp và “khuyến cáo người dân cảnh giác”.
Ở tỉnh An Giang, chỉ tính bờ sông Tiền, sông Hậu và sông Vàm Nao đã có 53 điểm sạt lở lớn, đe dọa hơn 5.500 hộ dân. Có những điểm sạt lở dài hàng trăm mét, sâu vào bờ hơn 50 m. Mối nguy hiểm lớn khi mới đây, Sở TN&MT khảo sát sơ bộ đã phát hiện 13 hố xoáy sâu dưới lòng sông Hậu, gần bờ.
Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, Cà Mau có tuyến đê biển dài hơn 91 km, sóng biển đã làm sạt lở trên 100 điểm, tổng chiều dài khoảng 10 km, đe dọa đời sống của 26.000 hộ dân, và khoảng 130.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng dài gần 2.200 m đã gây nguy hại đến thân đê, có thể làm vỡ đê. Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau, cho biết giải pháp của Bộ NN&PTNT là làm đê mới cách đê hiện hữu, sâu trong đất liền khoảng 100 m.
Nhưng cách “chạy bờ biển lở” này lại không biết sẽ dừng ở đâu, trong lúc rất tốn tiền và đất, nhất là phải di dời hàng vạn hộ dân cũng chưa biết sẽ di dời đi đâu.